UBND HUYỆN NINH GIANG
TRƯỜNG MẦM NON TÂN PHONG
------------&-------------
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ BỆNH CÚM
- Bệnh cúm là gì? Loại virus gây bệnh?
- Bệnh cúm xuất hiện do một loại virus tấn công vào cơ thể con người, tác động mạnh mẽ vào hệ hô hấp (gồm mũi, phổi và cổ họng). Theo các bác sĩ, loại virus này thuộc nhóm lành tính nên bệnh có thể tự khỏi mà không phải can thiệp bằng thuốc. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể lực kém, nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về sau.
- 1.Đối tượng dễ mắc bệnh
- Người già, đặc biệt là những người cao tuổi có bệnh nền sẵn (tức cơ thể đã có bệnh sẵn).
- Người già và trẻ rất dễ mắc bệnh cảm cúm
- Trẻ em dưới 5 tuổi vốn có sức khỏe chưa ổn định, dễ bị virus tấn công nên cần phải quan tâm khi trẻ mắc bệnh. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm bệnh và trở nặng do sức đề kháng còn yếu.
- Phụ nữ đang trong quá trình mang thai hoặc vừa mới sinh con được 2 tuần.
- Những người có thể lực, sức khỏe kém, hệ miễn dịch yếu.
- Những người đã có bệnh sẵn, liên quan đến các căn bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh tim, tiểu đường, các bệnh về thận và gan.
- Những người có trọng lượng cơ thể quá cao, chỉ số khối cơ thể (viết tắt là BMI) đạt được từ 40 trở lên, điển hình như những người béo phì.
1.2. Virus gây bệnh
Loại virus gây bệnh có tên là Influenza, có khả năng biến thể các chủng mới liên tục. Bao gồm virus cúm A,virus cúm B, C.
2. Các triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh
Có rất nhiều người nhầm lẫn trong bệnh cúm và bệnh cảm lạnh do những triệu chứng của hai bệnh này có sự tương đồng với nhau. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm của bệnh cảm cúm lại cao hơn và sự chuyển biến của bệnh hoàn toàn khác so với bệnh cảm lạnh. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có những triệu chứng sau đây:
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao, những cơn sốt kéo dài trên 38 độ C.
- Cảm giác ớn lạnh.
- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
- Ho khan, viêm họng.
- Nghẹt mũi.
- Ngoài ra, người bệnh thường biếng ăn, cảm giác ăn không ngon, dễ buồn nôn. Cơ thể yếu ớt, gần như không còn sức lực. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng 2 ngày, sau 5 ngày một vài triệu chứng dần biến mất, bệnh nhân chủ yếu cảm thấy cơ thể vẫn còn mệt mỏi và ho ít hơn.
3. Các biện pháp điều trị bệnh cúm
Khi mắc bệnh cúm, người bệnh cần được quan tâm và theo dõi liên tục, nhất là thời gian 2 ngày đầu tiên (giai đoạn ủ bệnh). Nếu nhận thấy các triệu chứng không thuyên giảm thì nên đưa bệnh nhân đi khám và điều trị. Theo các bác sĩ, căn bệnh này chủ yếu điều trị bằng thuốc kết hợp với thực đơn dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng để đánh bại virus bên trong cơ thể.
Bên cạnh sử dụng thuốc thì việc nghỉ ngơi là rất cần thiết vì khi mắc bệnh, thể lực bệnh nhân dường như rất yếu.
Người mắc bệnh cảm cúm thường được khuyên uống nhiều chất lỏng do những cơn sốt dễ khiến cơ thể bị mất nước. Bệnh nhân có thể ăn súp, cháo hoặc những loại trái cây bọng nước như cam, nho,... Đối với trẻ nhỏ, cần dỗ dành và chăm sóc kĩ lưỡng vì hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu, đòi hỏi cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thông qua thức ăn.
4. Các phương pháp phòng ngừa bệnh cúm
4.1. Hạn chế bị lây nhiễm
Virus cúm có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc tự giác phòng ngừa bệnh là rất cần thiết. Khi đi ra ngoài, tiếp xúc đông người, mọi người nên có ý thức bảo vệ cơ thể mình khỏi những mầm mống gây bệnh. Cụ thể như:
- Vệ sinh tay sau khi chạm vào những đồ vật nơi công cộng hoặc vật dụng nghi ngờ chứa mầm bệnh. Bên cạnh đó, việc vệ sinh tay mỗi lần trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng là một thói quen tốt, nên duy trì để bảo vệ bản thân. Vì tay thường được sử dụng trong cầm, nắm và ăn uống.
- Khi hắt xì, ho, sổ mũi nên dùng tay hoặc khăn giấy che miệng, mũi, tránh để nước bọt bắn ra ngoài hoặc bám lên người khác. Tuy nhiên, không khuyến khích mọi người sử dụng tay che miệng vì tay thường chứa vi khuẩn.
- Hạn chế tập trung nơi đông người vì bệnh cúm có khả năng lây truyền rất cao. Những nơi công cộng hoặc trường học, xí nghiệp là môi trường tạo cơ hội cho virus lây nhiễm và tấn công nhiều người. Do đó, cần hạn chế tiếp xúc với mọi người khi có mầm mống gây bệnh trong tập thể. Hoặc khi đến những nơi công cộng cần hạn chế tiếp xúc tay và đeo khẩu trang để phòng tránh bị lây bệnh.
4.2. Tiêm vacxin cúm
Bộ y tế khuyến khích mọi người nên tiêm vacxin phòng ngừa bệnh cúm hằng năm để đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh.
Với những chia sẻ chi tiết trên đây, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ tự ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình để tránh bị nhiễm bệnh cúm. Đồng thời, khi mắc bệnh, mọi người nên chủ động hạn chế tiếp xúc với người khác để hạn chế lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.
Tin bài: Trường mầm non Tân Phong!